The Ninth

The Ninth (Cu Mười) – Ferenc Barnás

Ðào Trung Ðạo
11/09/2009

Trong mục Điểm Sách do Ðào Trung Ðạo phụ trách kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị tiểu thuyết The Ninth/Cu Mười của Ferenc Barnás.

Người thích tìm đọc những tác phẩm mới của những nhà văn ngoại quốc ở Mỹ có cái may mắn luôn được cập nhật vì xứ này không những có những dịch giả thế giá và những nhà xuất bản – nhất là những nhà xuất bản của các đại học – không đặt lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu, mà còn vì những dịch giả biết chọn những tác phẩm có giá trị văn chương cao và hy sinh thời gian công sức để dịch nhằm phổ biến đến giới đọc sách ưu tú (đa phần là những người trong giới sinh hoạt văn chương và sinh viên ngành văn) những tác phẩm này.

Nước Hung, quê hương của Franz Kafka, là nước thuộc vùng Đông Âu có truyền thống tiểu thuyết được chú ý nhiều trong việc chọn lựa sách dịch. Trong những năm gần đây dịch giả Paul Olchváry được coi là người có công tích cực dịch và phổ biến văn chương Hungary. Ông đã giới thiệu đến độc giả Mỹ những nhà văn tầm vóc như Károly Pap, Lajos Grendel, Ilona Kerezsi, Sándor Lestýan, Zoltán Egressy, Peter Nádas và Gyorgy Dragoman (đã giới thiệu trên Gio-O), Katalin Horányi, Ádám Bodor, Ferenc Barnás…

Ferenc Barnás là một trong những nhà văn Hungary thuộc thế hệ mới đang được đọc nhiều nhất ở xứ ông cũng như trên thế giới. Quyển tiểu thuyết The Ninth/Cu Mười mới được nhà xuất bản của đại học Northwestern cho ra mắt trong tháng 5 tiếp theo hai quyển tiểu thuyết Tên Ăn Bám (bản dịch Anh văn xuất bản năm 1997) và Bagatelle (xuất bản năm 2000). Ferenc Barnás sinh năm 1959 ở Debrecen, Hungary, là tác giả của 3 tiểu thuyết kể trên và năm 2001 ông đã được trao giải văn chương Marai Prize của Hungary.

Ferenc Barnás tốt nghiệp tiến sĩ văn chương ở đại học lâu đời nhất của Hungary Eötvös Loránd ở Budapest năm 1991 với luận án Thế giới quan của Herman Hesse. Từ thập niên 90s Ferenc Barnás đã có những bài khảo luận về nhà văn Herman Hesse và thi sĩ Reiner Maria Rilke trên các tạp chí văn chương lớn của Hungary. Năm 2001 ông được mời tham dự cuộc họp mặt những nhà văn quốc tế Lahti/Mukkula ở Phần Lan với bài thuyết trình Mục tiêu của Văn Chương là để Triệt hạ sự Ngu xuẩn, và năm 2003 ông là diễn giả ở đại học Columbia và đại học Riverside của Mỹ.

Tiểu thuyết mới nhất Cu Mười của Ferenc Barnás viết về đời sống người nghèo khổ ở Hungary trong những thập niên 60s dưới chế độ cộng sản, đọc truyện này ta thấy có khá nhiều điểm tương đồng với xã hội miền Bắc dưới thời bao cấp. Cảnh thổ của truyện là một khu làng nhỏ ở phía Bắc thủ đô Budapest. Xưa nay người nghèo khổ ở bất kỳ xứ nào – nhất là ở những xứ đặt dưới sự cai trị của cộng sản – là những kẻ không có tiếng nói nên Ferenc Barnás với tư cách nhà văn muốn họ cất tiếng.

Nhân vật tự sự là một đứa trẻ không được tác giả nêu tên, là đứa con thứ chín của một gia đình có 10 người con. Trong những năm 60s, trước khi xảy ra biến cố Mùa Xuân 1968, chế độ cộng sản Hungary với đường lối tách xa Liên-xô có phần nới tay trong việc cai trị đàn áp dân chúng. Gia đình Cu Mười cả thảy 12 người sống chui rúc trong một căn nhà một phòng nhỏ xíu và một chái bếp tồi tàn ở đường Pomáz. Căn nhà này do cha và hai thằng anh lớn của nó tự tay dựng lên.

Gia đình Cu Mười sống trong cảnh thiếu thốn mọi thứ, thực phẩm còn không đủ cho lũ trẻ nói chi tới quần áo ấm, củi đốt sưởi ấm trong mùa Đông cũng không có cho nên những đứa trẻ khốn khổ của gia đình này phần nào trở thành những đứa trẻ tật nguyền không về thể chất thì về tâm thần. Đặc biệt chúng bị khuyết tật không có khả năng đọc chữ (dyslexia). Tất cả 10 đứa trẻ phải ngủ chung trên một chiếc giường trống trải, còn người cha phải ngủ trong căn bếp. Những đứa lớn tuy chưa đến tuổi rời trường học cũng đã phải kiếm việc đi làm giúp cha mẹ.

Gia đình Cu Mười là gia đình theo Thiên-chúa-giáo thuần thành nay phải sống dưới chế độ cộng sản vốn có thái độ thù nghịch với giáo dân cho nên Cu Mười cũng như anh chị em nó phải chịu hai áp lực đè năng: một từ truyền thống gia đình, hai từ xã hội khép kín nên những đứa trẻ này luôn sợ hãi bị coi là phạm tội. Cha của Cu Mười trước đây ở trong quân đội chế độ cũ nhưng khi cộng sản nắm chính quyền ông bị tống cổ khỏi Quân Đội Nhân Dân mới. Ông là một tín đồ nghiêm khắc, không khoan nhượng thỏa hiệp nên ông và vợ con phải kiếm tiền nuôi con bằng công việc thủ công chế tạo những chuỗi tràng hạt và những hình tượng Thiên Chúa nhỏ bé đem bán ở những nhà thờ trong giáo xứ.

Bọn trẻ ngoài giờ đến trường khi về nhà lập tức phải cặm cụi làm những chuỗi tràng hạt cho cha mẹ đem bán vì vậy chúng không có thì giờ riêng, có tự do để phát triển, không có đồ chơi nên phải lang thang tìm bắt cóc nhái mổ bụng những con vật này để vui đùa với nhau. Mẹ Cu Mười không nghiêm khắc như chồng, có tinh thần nhẫn nại chịu đựng, nhưng cũng là một tín đồ thuần thành âm thầm trung thành với niềm tin của mình.

Cu Mười là đứa trẻ khuyết tật nhưng nhạy cảm, mơ mộng và sống trong thế giới mơ mộng riêng tư của nó. Ngoài ra về thể chất nó mang tật một ngón tay cái bên trái bị dập nát do một tai nạn khi nó 4 tuổi vô tình để ngón tay này vào cái khớp dập khuôn hạt tràng hạt của cái máy khi đột nhiên thằng anh nó không biết từ đâu nhảy vào bàn máy làm việc.

Trong Chương đầu tác giả cho nó tâm sự như sau: ”Đêm qua tôi có một giấc mơ, và trong giấc mơ này tôi là một đức trẻ can đảm: Có ba thằng nhóc tiến về phía tôi trong lúc tôi đang đứng ở một nơi trống trải. Thoạt đầu tôi không nhận ra chúng, nhưng thoáng sau tôi nhận ra đó là thằng Perec và hai đứa bạn của nó. Thằng lùn nhất tay cầm một cái búa rìu. Trong bụng tôi nghĩ bọn này lại muốn tái diễn hành vi trước đây. Tôi không hiểu làm sao tôi đã tước được cái búa rìu đó, tôi thật sự đã làm như vậy… Sự việc diễn ra chớp nhoáng tôi chẳng nhìn thấy máu me gì ráo trọi dù rằng hẳn bọn chúng phải chảy máu nhiều lắm.”

Khi giấc mơ chấm dứt lúc bốn giờ rưỡi sáng Cu Mười tuy nghe tiếng động cha nó sửa soạn đi làm – sau này ông kiếm được công việc gác cổng xe lửa – nhưng nó giả bộ vẫn còn đang ngủ. Thời đó dân chúng nghèo khổ đến mức trong nhà không có được cái đồng hồ nên cứ sau khi cha nó rời nhà là mẹ nó phải ra đường hỏi giờ người khác để đến xưởng chế tạo bút làm việc cho đúng tầm buổi sáng. Niềm mơ ước lớn lao nhất của lũ trẻ là dựng được một căn Nhà Lớn.

Ở trường học Cu Mười bị bạn bè ăn hiếp, đàn áp. Trường học trong làng vô cùng nghèo nàn thiếu thốn, các cô giáo cũng biếng nhác vì quá thiếu thốn, bạn bè tạp nhạp từ những gia đình tả tơi nên không những cằn cỗi vô cảm mà còn độc ác nữa. Tuy vậy Cu Mười vẫn yêu mến cô giáo Vera của nó nhất và Cô Vera cũng thương yêu tín cẩn Cu Mười. Cuộc sống nội tâm của Cu Mười chìm đắm, nửa ý thức nửa vô thức, trong những ước mơ có được những gì nó không hy vọng có, những gì không phải lả của nó.

Là đứa trẻ cô đơn, Cu Mười sau khi tan trường luôn kiếm cớ để lang thang đi bộ về nhà vì đi bộ lang thang nó sẽ có dịp ngang những nơi có những thứ nó thèm muốn khao khát, chẳng hạn đi ngang hàng bán thịt để ngó những miếng thịt hay đi ngang quán rượu để được nhìn người lớn say khướt. Nhưng chính yếu Cu Mười mơ tưởng nhiều nhất là căn Nhà Lớn và những vật dụng trong căn nhà đó nếu như sự mơ ước của nó thành sự thực.

Thế nhưng, khúc quanh xảy đến ở Chương 8 của quyển truyện: Cu Mười thừa lúc cô giáo Vera bất cẩn nó đã mở trộm ví của cô ăn cắp tiền. Nó lấy tiền ăn cắp đi mua bánh trái, xúc xích định bụng ăn một bữa thật no nê sau đó đem phân phát cho anh chị em. Hành vi trộm cắp của Cu Mười xét ra không những là sự vi phạm quy luật xã hội mà còn là sự phạm tội theo tinh thần tôn giáo cha mẹ nó đã răn dạy các con từ khi chúng còn thơ ấu. Ngoài ra, hành vi này còn là một sự nổi loạn chống lại cơ chế, hệ thống cai trị của xã hội cộng sản từ lâu Cu Mười và gia đình nó đã bị hệ thống cai trị này hạ nhục quá đáng.

Nhìn chung quyển tiểu thuyết Cu Mười của Ferenc Barnás không những có giá trị văn chương cao vì văn tiểu thuyết của tác giả rất chừng mực, trong sáng, đơn giản mà còn có giá trị nhân văn vì Ferenc Barnás đã chọn nhân vật tiểu thuyết là những kẻ khốn cùng, nhất là đó lại là một đứa trẻ tật nguyền, và cho họ có tiếng nói. Trái với thói thường, tác giả cho thấy viết về những người những cảnh cảnh khốn cùng ta vẫn có thể tạo được những trang sách đẹp.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

https://www.voatiengviet.com/a/2023251.html

https://www.voatiengviet.com/a/a-19-2009-09-11-voa14-81704872/513019.html

Elnézést, a hozzászólás ezen a részen nem engedélyezett.